Tổ Ngữ Văn là một trong tám tổ chuyên môn của trường THCS Phan Bội Châu với số lượng 7 giáo viên nữ. 100% giáo viên trong tổ đều có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, cụ thể: 2 giáo viên trình độ thạc sĩ, 5 giáo viên trình độ Đại học. Trong tổ có 4 giáo viên là Đảng viên ĐCSVN, 3 giáo viên là Đoàn viên Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Với ưu điểm đa số các giáo viên còn trẻ nên tổ Ngữ Văn luôn phát huy được tinh thần nhiệt huyết, đam mê với nghề, hăng hái trong mọi hoạt động của nhà trường. Cùng với đó, sự tận tâm, lòng yêu nghề, yêu trò; tinh thần đoàn kết, luôn hỗ trợ nhau trong mọi hoạt động của các thành viên đã giúp tổ Ngữ Văn luôn là một tập thể gắn kết, hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao.
HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ NGỮ VĂN: SÁNG TÁC THƠ CHÀO MỪNG NGÀY 20/11
Nhà văn Nga Đôn-ki-xtôi đã từng nói: “Dưới ánh hào quang của ánh sáng mặt trời, không có nghề nào cao quý bằng nghề dạy học” và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã phát biểu: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng toả hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời”.
Quả thật vậy, không gì có thể sánh bằng công lao vất vả của những người thầy, người cô trong sự nghiệp trồng người. Mỗi người thầy người cô như những người đưa đò thầm lặng, chắp cánh cho biết bao thế hệ học trò bay cao, bay xa vào những chân trời tri thức mới. Và trong không khí cả nước hân hoan kỉ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, khi một mùa hiến chương nữa lại về, khi mỗi thầy cô lại dâng trào lên những cảm xúc khó tả, những vần thơ bộc bạch cảm xúc, tâm tư của các cô giáo tổ Ngữ Văn trường Phan Bội Châu cũng được vang lên.
Gắn bó với nghề giáo đã gần hai mươi năm, luôn nhiệt tình trong từng bài giảng, vững vàng để vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc đời nghề giáo, cô Võ Thị Thanh Thi đã có những vần thơ đong đầy cảm xúc nhưng cũng thật chân tình, thật gần gũi biết bao. Điều đặc biệt chính là sự chia sẻ những nỗi niềm, trăn trở của cô trong những tháng ngày dạy học online qua bài thơ “Người lái đò”
Hai mươi năm vững con đò Miệt mài đưa khách sang bờ vinh quang Dẫu mùa nước lũ tràn lan Cô trò tình cảm vô vàn bên nhau.
Bây giờ ai có ngờ đâu Cách chia bằng một chiếc cầu online Cô không thể chấm trả bài Tận tay, trực tiếp khen tài học sinh
Cũng là những nỗi niềm, trăn trở về những tháng ngày dạy và học trực tuyến, cô giáo Lê Thị Hân trong bài thơ "Thơ vui về những ngày dạy và học online" không giấu được những chuyện dở khóc dở cười của cô và trò.
Suốt ngày cô phải kêu gào Các em chú ý nhìn vào slide Cô dạy mệt bở hơi tai Trò thì vừa học vừa nhai bánh mì Có khi lại đang ngủ khì Bị cô gọi dậy bất kì, thất kinh Trả lời bài vở linh tinh Có em thì lại nín thinh, không lời Lòng dạ cô cũng rối bời Học hành như thế, lơi bơi quá chừng
Với cô giáo Đoàn Thanh Tú – cô giáo luôn tận tâm với nghề với biết bao lứa học trò đã được cô ân cần dạy bảo, biết bao thế hệ đã trưởng thành từ những yêu thương, chỉ bảo tận tình của cô… Trong cô giáo ấy là những nỗi niềm, cảm xúc không thể nói hết thành lời. Nhân ngày 20/11 cô đã có vần thơ đầy xúc động dành tặng cho mẹ luôn yêu thương con hết lòng và cũng là một cô giáo tận tụy với nghề.
Nhớ làm sao những ngày xa xưa ấy Trên đường làng lặn lội chở con đi Với chiếc xe mẹ đạp chẳng ngại gì Con đến lớp học hành vui thầy bạn
Những đêm mưa mẹ ngồi chong đèn soạn Để ngày mai có giáo án giảng bài Rồi mẹ ngồi âu yếm thở bên tai Tập con viết nét chữ vừa cải cách
Thương thương quá suốt một thời đèn sách Mẹ tảo tần nâng đỡ bước con qua Với một tình yêu tha thiết bao la Mẹ chỉ dạy đời con nhiều bài học
Lắng đọng trong thời điểm của ngày Nhà giáo Việt Nam, cô giáo Nguyễn Thị Dung, đong đầy những nỗi nhớ về thầy xưa.
Hoa phượng đỏ thơ ngây Còn vương trên cành lá Mà thời gian băng giá Làm bạc tóc thầy tôi Bụi phấn xưa đâu rồi Lòng tôi còn nhớ mãi Dù dòng đời ngang trái Tình thầy vẫn bao la Dù gió cuốn mưa sa Vẫn ân cần dạy dỗ Dù thời gian giông tố Thầy vẫn đắp vun đời
Cũng nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, cô Trần Thị Thu Phương gửi những lời thơ như một lời tri ân đến những người thầy người cô đã từng dìu dắt mình trên con đường học vấn. Lời thơ cô đã thay lời muốn nói để tỏ lòng biết ơn và tôn vinh nghề giáo, tôn vinh sự nghiệp trồng người của các thầy các cô.
Làm sao kể hết ân tình Làm sao nói hết nghĩa tình ân sâu Lời thầy nặng gánh mưa ngâu Để con hiểu được sông sâu ở đời
Thầy cho con hiểu vị tha Lòng nhân, tương ái, kết đoàn bình an Một chữ thầy tặng trong tim Trái tim thầy chở trái tim nhân từ
Một đời cống hiến cho người Tóc thầy đã bạc bởi vì chúng con Công cha nghĩa mẹ sinh thành Công thầy giáo dục biển trời lớn khôn
Trong những sáng tác của các cô giáo tổ Ngữ Văn sẽ còn những câu chuyện, những tâm tình gửi gắm trong từng con chữ. Nhưng trên hết vẫn là một tình cảm yêu nghề, yêu trò và luôn tự hào về nghề giáo và tình cảm gắn bó, yêu thương cùng nhau trong tổ. Những tình cảm tốt đẹp ấy đã được cô giáo Đinh Thị Hiền chia sẻ thật chân tình:
Phan Bội Châu đó ta cùng, Thi đua dạy học không ngừng tiến lên. … Chị em như ở một nhà, Sớm chiều dạy học thật là yêu thương. Chúng ta chung một con đường, Thi đua dạy tốt để trường đi lên.
Từ xưa đến nay người thầy luôn được xã hội tôn vinh và kính trọng bởi đó là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Người thầy là những kỹ sư tâm hồn ươm mầm xanh ước mơ. Và mong ước lớn nhất của mỗi thầy cô chính là trên mỗi chặng đường các em sẽ ngày càng trưởng thành và vững vàng hơn trong cuộc sống.
Xin được dành tặng cho tất cả các thầy các cô lời tôn vinh, lời tri ân sâu sắc và chân thành nhất nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.
Nghị định 127/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 04/2021/NĐ-CP ngày 22/1/2021 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.